Để đặt chân đến "bản sao Trái Đất", nơi có những điều kiện sống tương tự hành tinh của chúng ta, tàu thăm dò loại nhanh nhất hiện nay cần quãng thời gian 17.000 năm.
Proxima b là hành tinh có thể chứa sự sống ở gần Trái Đất nhất. Ảnh: ESO.
|
Proxima b là hành tinh quay quanh Proxima Centauri, ngôi sao ở gần Mặt Trời nhất. Proxima Centauri cách Trái Đất khoảng 4,22 năm ánh sáng, tương đương 40.000 tỷ km. Các nhà khoa học đang tìm cách để con người có thể sớm đặt chân lên Promixa b.
Theo Space.com, để vượt qua khoảng cách lớn trên, các nhà nghiên cứu đề xuất sử dụng tàu thăm dò thu nhỏ siêu tốc, có thể đến Proxima Centauri với hành trình kéo dài 20 năm. Đây là thời gian di chuyển khá lâu so với những tàu thăm dò thám hiểm hệ Mặt Trời.
Năm 2015, tàu thăm dò New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hoàn thành hành trình 4,8 tỷ km đến sao Diêm Vương sau 9,5 năm. New Horizons bay với tốc độ khoảng 84.000 km/h. Với tốc độ này, New Horizons cần khoảng 54.000 năm để đến Proxima Centauri.
Gần đây, tàu thăm dò không người lái Juno của NASA đạt tới tốc độ khoảng 265.000 km/h. Nếu di chuyển với tốc độ này, Juno có thể tới Proxima Centauri sau khoảng 17.000 năm. Nói cách khác, việc đưa tàu thăm dò tới Proxima Centauri với công nghệ hiện nay là bất khả thi.
Để giải quyết bài toán khó, các nhà khoa học dự định gửi thiết bị thăm dò dạng tấm mỏng bay ở tốc độ cao tới Proxima Centauri. Thiết bị thăm dò này là một con chip có kích cỡ bằng con tem, nặng khoảng 1 gam, được trang bị cảm biến laser liên lạc, camera, pin hạt nhân và các thiết bị cần thiết khác cho thăm dò vũ trụ.
Thiết bị thăm dò siêu nhỏ gắn cánh buồm mỏng có thể là phương tiện phù hợp để thám hiểm "bản sao Trái Đất". Ảnh: Spaceref
|
Những thiết bị thăm dò này sẽ trang bị cánh buồm mỏng để thu năng lượng truyền từ Trái Đất thông qua các tia laser công suất cao. Công nghệ này có thể đưa thiết bị thăm dò bay với tốc độ bằng 20% tốc độ ánh sáng, tương đương 215.850.000 km/h, cho phép nó tới Proxima Centauri trong vòng 20-25 năm.
Ngày 24/8, Pete Worden, chủ tịch Quỹ Giải thưởng Đột phá Breakthrough thông báo đã tập hợp một nhóm chuyên gia để thảo luận kế hoạch xây dựng mẫu thử nghiệm của thiết bị thăm dò này. Tuy nhiên, Worden cũng cho rằng hệ thống này cần ít nhất 20 năm nữa mới sẵn sàng đi vào hoạt động.
"Chúng tôi hy vọng rằng, trong một thế hệ tới, chúng ta có thể khởi động các thiết bị thăm dò nano này", Worden nói. "Trong vòng 20-25 năm kể từ bây giờ, chúng ta có thể khởi động hệ thống, và các thiết bị sẽ du hành tới Promixa Centauri sau 25 năm". Ước tính chi phí để chế tạo hệ thống thiết bị thăm dò vào khoảng 10 tỷ USD, bằng khoản tiền xây dựng máy gia tốc mạnh nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC)
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét