Nước biển miền Trung được cho đã đảm bảo quy chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời câu hỏi bao giờ môi trường biển trở lại như trước khi sự cố ô nhiễm xảy ra.
GS.TS Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) trả lời báo chí về kết quả nghiên cứu.
GS.TS Mai Trọng Nhuận. Ảnh: Hoàng Táo
|
- Thưa ông, phương pháp nghiên cứu được thực hiện như thế nào để đi đến khẳng định biển miền Trung đạt chuẩn cho tắm và nuôi trồng thuỷ sản?
- Để có kết luận này, các cơ quan nghiên cứu dựa vào hệ thống các công việc gồm đánh giá đặc trưng, điều kiện tự nhiên, nguồn ô nhiễm cũng như khả năng tự làm sạch của vùng biển… Chúng tôi sử dụng các phương pháp như quan trắc, lấy mẫu, phân tích mẫu phù hợp và đối chiếu, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thẩm định của chuyên gia nước ngoài trong tất cả các khâu.
Về mặt khoa học, kết quả phân tích vận dụng theo không gian, thời gian đều phù hợp với quy luật chung, chứng tỏ kết quả là tin cậy.
- Vấn đề dư luận quan tâm nhất là bao giờ biển miền Trung trở lại như trước khi xảy ra sự cố môi trường ?
- Số liệu nghiên cứu hiện chưa thể trả lời được chính xác khi nào, cần thêm nghiên cứu chi tiết, áp dụng phương pháp mô phỏng mới có thể đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, thực tế các hàm lượng (chất ô nhiễm) đều giảm rất nhanh, có nơi giảm đến 90% từ tháng 4 đến tháng 8 này.
Hệ sinh thái san hô từ chỗ bị hủy diệt hoàn toàn, bị tẩy trắng nay bắt đầu xuất hiện san hô sống, cá con trở về. Điều này cho thấy môi trường hồi phục tốt. Tôi hy vọng rằng, cùng với việc giám sát chặt chẽ nguồn thải của Formosa và áp dụng giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi bằng khoa học công nghệ, trong thời gian không lâu nữa biển sẽ trở lại như trước.
Cá biển chết hàng loạt ở miền Trung vào tháng tư. Ảnh: Đắc Đức |
- Các hợp chất độc hại hiện còn ở đáy biển hay không?
- Nguồn thải từ Formosa đã được ngăn chặn nên các mảng bám và sản phẩm nguy hại liên quan đã giảm đi rất nhiều, một số tồn lưu trên mặt san hô được biển tự làm sạch. Tuy nhiên, những vùng biển có xoáy hoặc bẫy thủy lực thì vẫn còn tập trung cao các hợp chất nguy hại, mặc dù hàm lượng nguy hại là dưới chuẩn. Những khu vực này vẫn phải được giám sát chặt chẽ và thường xuyên hơn.
- Biển tự làm sạch như thế nào, thưa ông?
- Thứ nhất, dòng chảy biển làm loãng các hợp chất. Thứ hai, tương tác giữa nước biển với các hợp chất làm phân hủy tự nhiên. Trong môi trường nước biển, tác động của các vật thể khác làm cho các chất như phenol, xyanua và các hợp chất hữu cơ tự phân hủy. Thứ ba, các hợp chất này tồn tại trong tự nhiên cũng tự phân hủy.
Các yếu tố đó đã kết hợp giúp biển tự làm sạch, như người dân địa phương hay nói là "trăm rác lấy nác (nước) làm sạch".
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi khả năng tự làm sạch của biển, từ đó tìm giải pháp công nghệ tối ưu cho việc làm sạch môi trường và hồi phục hệ sinh thái. Nhưng quan trọng nhất ở đây vẫn là Bộ Tài nguyên giám sát chặt chẽ nguồn thải từ Formosa.
Vừa qua chúng tôi đã tiến hành giai đoạn 1, giai đoạn 2 được kế tiếp với việc lựa chọn những vùng nhạy cảm hơn, tích lũy nhiều chất độc hơn chứ không làm dàn trải trong toàn bộ vùng biển, vừa để giảm bớt nguồn lực, vừa đáp ứng nhu cầu dự báo, đánh giá chất lượng môi trường biển.
- Biển đã an toàn cho bơi lội và nuôi trồng thủy sản, nhưng có thể yên tâm ăn cá biển hay chưa?
- Hôm nay (22/8) Bộ Y tế chưa có câu trả lời rõ ràng về việc này. Tôi cũng mong Bộ Y tế sớm công bố cụ thể tới nhân dân
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét